Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte dự Chương trình.
Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng bền chặt, hiệu quả, toàn diện trên nhiều lĩnh vực; tình hình hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp của Hà Lan với thành phố Hà Nội đã phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Thành phố Hà Nội luôn xác định các doanh nghiệp của Hà Lan là những đối tác quan trọng, hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: Giáo dục, đào tạo, môi trường, quy hoạch, hạ tầng đô thị, sản xuất vật liệu xây dựng, đầu tư, thương mại và du lịch.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội – Thành phố vì hòa bình đã trở thành điểm đến thân thiện của du khách quốc tế, trong đó có các bạn Hà Lan. Năm 2018, lượng khách Hà Lan đến Hà Nội đạt 73.000 lượt, tăng 10% so với năm 2017, đứng thứ 15 trong top 20 thị trường hàng đầu đến Hà Nội.
Khẳng định, nền văn hóa Hà Lan ngày càng thẩm thấu, in dấu ấn đậm nét với người dân Việt Nam, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, hai nước cần tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Hà Lan tươi đẹp, thúc đẩy du lịch, thương mại giữa Hà Lan với Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Chương trình thời trang do Đại sứ quán Hà Lan phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội giới thiệu đến đông đảo người dân Thủ đô và du khách về phong cách thời trang truyền thống, hiện đại, đậm bản sắc thời trang Hà Lan, hướng tới một ngày thời trang bền vững hơn, từ đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là một xu hướng quan trọng trong phát triển toàn cầu và trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong hiện tại và tương lai, đó là bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Sự kiện không chỉ góp phần tăng cường hiểu biết, hữu nghị song phương mà còn là cơ hội để mọi người dân và du khách có được những trải nghiệm chân thực nhất về sự kết hợp giữa Hà Lan và Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, thời trang và môi trường. Chương trình sẽ lan tỏa rộng rãi thông điệp “xanh” mà Hà Lan và Việt Nam đang hướng tới; đồng thời mở ra cơ hội quảng bá, học tập trong tương lai đối với tất cả những công dân có trách nhiệm với xã hội.
Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh, một trong những ngành kinh tế lớn của Việt Nam là dệt may. Nhiều người Hà Lan đã khoác lên mình những chiếc áo được sản xuất tại Việt Nam. Ở Việt Nam, ngành dệt may đã tạo việc làm cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ.
Theo Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte, đổi mới sáng tạo sẽ giảm thiểu chất thải và tiết kiệm nước. Vì vậy, những thương hiệu của Hà Lan được gia công tại Việt Nam, các công ty Hà Lan có động lực rõ ràng để hành động. Điều quan trọng nhất là nhận thức được những gì đang diễn ra trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh đến các cửa hàng ở Amsterdam…
Thông qua buổi Trình diễn thời trang bền vững “Walk the talk” thể hiện phương thức hợp tác của Hà Lan – Việt Nam nhằm thúc đấy ứng xử kinh doanh có trách nhiệm trong ngành công nghiệp dệt may và được truyền cảm hứng từ những mẫu thiết kế thời trang bền vững mới nhất: Trang phục hàng ngày, trang phục công nhân lao động, trang phục công sở và thời trang dự tiệc hoàn hảo…